기사한줄요약
게시물 내용
Nguồn Korea.net
Năm Tân Sửu đã kết thúc, năm Nhâm Dần lại về. Giống với một số quốc gia châu Á khác, người Hàn Quốc hàng năm đặt tên của năm dựa theo danh sách 12 con giáp và bảng chu kỳ tổ hợp 60 Can Chi. Theo đó, năm nay là năm Nhâm Dần (임인 trong tiếng Hàn, 壬寅 trong chữ Hán) và trong đó, chữ Hán cho 임(壬) có ý nghĩa là “đen”, còn 인(寅) có nghĩa là “con hổ”. Chính vì vậy, năm mới 2022 được coi là năm của con hổ đen.
Trong lịch sử và văn hóa truyền thống dân tộc Hàn Quốc, con hổ từ lâu không chỉ được coi là biểu tượng của Thần núi giúp con người tránh được vận hạn trong cuộc sống hàng ngày của người Hàn Quốc, mà còn là một động vật biểu tượng có ý nghĩa to lớn đối với đất nước này.
Trong các cuộc thi quốc tế diễn ra ở Hàn Quốc, các linh vật Hodori của Thế vận hội Mùa hè Seoul 1988 và Soohorang của Thế vận hội Mùa đông PyeongChang 2018 đều được thiết kế dựa vào hình ảnh của con hổ. Bên cạnh đó, hình ảnh hổ được dùng như biểu tượng trong áo đồng phục của đội tuyển bóng đá quốc gia Hàn Quốc, được mệnh danh là “con hổ của châu Á”. Những điều này khiến chúng ta nhận ra rằng con hổ quan trọng nhường nào đối với toàn dân Hàn Quốc.
Một con hổ cũng xuất hiện trong thần thoại Dangun về sự thành lập của vương quốc đầu tiên của Hàn Quốc là Gojoseon (2333 TCN-108 TCN). Với mong muốn trở thành người, hổ và gấu đã tìm đến và cầu xin Hwanung cho chúng thành người. Hwanung đã đưa hổ và gấu đem tỏi và ngải cứu vào sâu trong hang tối và cam kết rằng nếu ăn những thứ này và ở trong hang sâu không được nhìn ánh mặt trời trong 100 ngày thì có thể được thành người. Chỉ sau mấy ngày thì hổ đã nhảy ra khỏi hang vì đói bụng quá còn gấu sau 100 ngày đã hóa thành một cô gái xinh đẹp. Mặc dù hổ đã thất bại trở thành vợ của Hwanung nhưng nó xuất hiện thường xuyên hơn trong văn hóa dân gian Hàn Quốc hơn nhiều so với gấu.
Theo Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc cho biết vào ngày 21/12, con hổ thường xuất hiện trong văn hóa Hàn Quốc vì sự sợ hãi đối với nó và đã trở thành loài vật được tôn thờ và sùng bái. “Những con hổ đã được coi như một vị thần được gọi là Sansin, Sangun hoặc Sansillyeong giúp bảo vệ các ngọn núi của chúng ta”, bảo tàng giới thiệu.
Từ ngày xưa, hổ được vẽ trên các bức tranh hoặc bùa chú và được coi là một công cụ để tránh được xui xẻo. Ví dụ, người Hàn Quốc dán bức tranh vẽ một con hổ vào ngày đầu năm mới ở nhà và tạo hình một con hổ với lá ngải cứu vào Tết Đoan ngọ. Đây là phong tục của tổ tiên dân tộc Hàn với niềm hy vọng đánh bại vận rủi thông qua sự dũng mãnh và uy quyền của con hổ.

Tấm đá khắc hình một con hổ được tạo vào đầu thế kỷ 20. (Ảnh: Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc)
Trong sách văn học du lịch “Korea and Her Neighbours” (năm 1897), nhà thám hiểm người Anh Isabella Bird Bishop (1831-1904) đã viết, “Người Hàn Quốc săn hổ trong suốt nửa năm, sau đó con hổ săn người Hàn Quốc trong thời gian còn lại”. Thông qua câu nói này, cô đã đề cập đến việc triều đại Joseon (1392-1910) có số lượng hổ lớn như thế nào.
Người Hàn Quốc thường có một con giáp biểu tượng của mình dựa trên năm sinh và theo đó phân tích tính cách của họ hoặc xem tuổi vợ chồng có hợp nhau hay không. Ví dụ, những người sinh năm Dần được cho là dũng cảm, cầu tiến và trung thực, và họ cũng được coi là tương hợp với những người sinh năm Ngọ hoặc Tuất, không tương thích với những người sinh năm Sửu hoặc Thân.

Soohorang (phía trên bên trái) - linh vật của Thế vận hội Mùa đông PyeongChang 2018 và Hodori -linh vật của Thế vận hội Mùa hè Seoul 1988. Bên phải là một quả bóng đá kỷ niệm tổ chức FIFA World Cup 2002 với hình ảnh một con hổ, biểu tượng của Hiệp hội Bóng đá Hàn Quốc. (Ảnh: Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc)
Đón nhận năm mới 2022, Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc đến hết ngày 1 tháng 3 sẽ tổ chức cuộc triển lãm “Land of Tigers” nêu bật ý nghĩa và biểu tượng của con hổ trong văn hóa Hàn Quốc. Tất cả các du khách có thể tham qua miễn phí cuộc triển lãm này.
Link tham khảo: https://vietnamese.korea.net/NewsFocus/Society/view?articleId=208890
댓글
0